Ngành cao su thế giới và Việt Nam đang bị suy giảm nặng cả về về sản lượng và giá trị thương mại song theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, thị trường cao su có thể sẽ sớm hồi phục vào đầu năm 2016.
Thi cạo mủ cao su ở Công ty CP Cao su Phước Hòa. Ảnh tapchicaosu.vn
Ngành cao su thế giới đang phải chịu đựng những đợt suy giảm nặng nề về giá do ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự suy thoái của ngành sản xuất ô tô của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, “đêm đen” của ngành cao su có thể sắp kết thúc khi giá cao su thế giới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ chạm đáy vào quí 4 năm 2015 trước khi phục hồi trở lại bắt đầu từ năm 2016, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo giá cao su sẽ phục hồi từ nay đến năm 2025. Theo dự báo mới nhất của WB, giá cao su RRS3 (**) năm 2015 sẽ chạm đáy với mức giá bình quân là 1,5 đô la Mỹ/kg và dần phục hồi vào năm 2016, có mức giá bình quân là 1,54 đô la Mỹ/kg, đến 2025 là 2,09 đô la Mỹ/kg.
Cơ sở để IMF và WB đưa ra các dự báo trên gồm:
Thứ nhất, nguồn cung cao su thế giới được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới do các quốc gia sản xuất cao su lớn trên thế giới đã có những chính sách kìm hãm sản lượng. Thái Lan đang áp dụng chính sách giảm diện tích trồng cao su và hạn chế cạo mủ. Nông dân Ấn Độ và Indonesia cũng đang chặt cây cao su để trồng cây khác hoặc bán gỗ cao su để bù đắp thu nhập khi giá cao su liên tục ở mức thấp. Năm 2015, Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan ước tính sản lượng mủ cao su sẽ đạt 4,2 triệu tấn, giảm từ mức 4,4 triệu tấn năm 2014. Đồng thời, ảnh hưởng của El Nino trong cuối năm 2015 – giữa năm 2016 được dự báo gây tình trạng khô hạn và thiếu nắng tại Thái Lan, Indonesia sẽ làm giảm sản lượng mủ. Sản lượng cao su của Indonesia được dự báo giảm 10% vào năm 2016 do El Nino, khói bụi cháy rừng và nông dân giảm cạo mủ. Tính đến cuối tháng 8-2015, sản lượng cao su thế giới đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Thứ hai, các nước sản xuất cao su tự nhiên lớn trên thế giới đang tổ chức thực hiện liên kết, quản lý nguồn cung cân đối phù hợp với nhu cầu thị trường để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và các tác nhân khác trong ngành cao su. Tại phiên họp đặc biệt cấp bộ trưởng của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên vừa qua tại Malaysia, các bộ trưởng đã nhất trí giao cho Ban thư ký Hiệp hội thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu thị trường, sớm đưa ra các giải pháp hiệu quả để cân đối cung – cầu, ổn định giá cả trên thị trường và đặc biệt thành lập sàn giao dịch chung để quản lý nguồn cung và điều phối thị trường cao su.
Thứ ba, ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Trung Quốc đang dần phục hồi sẽ có tác động tích cực đến cầu tiêu thụ cao su trên thế giới. Số lượng ô tô được sản xuất trong 10 tháng đầu năm 2015 của Trung Quốc đạt 1.923 nghìn chiếc, tăng 0,02% so với cùng kì năm trước và số lượng bán ra đạt 1.927,8 nghìn chiếc, tăng 1,51% so với cùng kì năm trước . Đáng chú ý, năm 2015 ngành sản xuất ô tô năng lượng mới của Trung Quốc rất phát triển với số lượng sản xuất tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước và thay Mỹ trở thành nước đứng đầu thế giới về tiêu thụ ô tô năng lượng mới.
Thứ tư, tồn kho cao su thế giới đã giảm đáng kể. Tính tới cuối tháng 7 năm 2015, lượng tồn kho cao su thế giới là 1.845 triệu tấn, giảm từ 2063 triệu tấn từ cuối năm 2014.
Với tương lai khả quan của ngành cao su thế giới, xuất khẩu cao su của Việt Nam được kỳ vọng có triển vọng tốt hơn trong năm 2016, dù giá trị xuất khẩu trong năm 2015 vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Trong 10 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 874,3 nghìn tấn về lượng và 1,23 tỉ đô la Mỹ về giá trị, tương đương tăng 8,2 % về lượng, nhưng giảm 12,8% về giá trị so với cùng kỳ 2014 do giá giảm.
Lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng chủ yếu nhờ sự phục hồi của thị trường Trung Quốc. Cụ thể, lượng xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc tăng 18,8% so với cùng kì năm trước và xuất sang Hoa Kì tăng 9,8%. Dự báo năm 2015, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam có thể đạt 1,1 triệu tấn, tăng nhẹ khoảng 3,2% về lượng và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,6 tỉ đô la Mỹ, giảm khoảng 10% so với năm 2014.
—
(*) Quan điểm phân tích của cá nhân không đại diện cho quan điểm của Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT (IPSARD)